Điện mặt trời nổi trên hồ Ða Mi, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Hà
Với gần 7.000 hồ chứa thủy lợi với diện tích mặt nước lên tới hàng triệu ki lô mét vuông, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển khai thác điện mặt trời nổi trên mặt nước. Nếu chỉ tận dụng đất bán ngập và diện tích mặt nước hồ thì tổng điện năng đạt được ước tính lên tới 15.000MW. Bởi vậy, những công trình này đang thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất điện mặt trời. Tại hội thảo “Ðiện mặt trời trên hồ thủy lợi” vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin thêm, trong 3 tháng gần đây, tuần nào Bộ cũng nhận được hồ sơ, đề nghị được nghiên cứu triển khai dự án sản xuất điện mặt trời trên hồ thủy lợi.
Tại Việt Nam, dự án điện mặt trời sử dụng vùng đất bán ngập của hồ chứa Dầu Tiếng công suất 420MWp và dự án điện mặt trời nổi trên hồ Ða Mi công suất 47,5MWp là những dự án đầu tiên khai thác diện tích đất và vùng mặt nước của hồ chứa để phát điện thương mại và được đánh giá là thành công. Theo ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, các dự án này đều đã phát điện thương mại lên lưới điện quốc gia một cách an toàn. Còn theo ông Ðàm Quang Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Năng lượng Quang Vũ thì pin mặt trời trên mặt nước hiện có nhiều công nghệ tiên tiến, có khả năng hạn chế sự bay hơi cũng như bảo tồn môi trường nước bằng cách giảm lượng bức xạ mặt trời tại vùng hồ chứa.
Thông tin thêm về điều này, ông Hoàng Tiến Dũng Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến hết ngày 11-5-2020, đã có 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời và 10 dự án hoặc một phần dự án điện gió với tổng công suất gần 6.000MW vận hành thương mại. Một số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần... cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc...
Trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành Điện. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho nhà đầu tư và xã hội.
Đối với EVN, trong Kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2016-2020 cũng đã khẳng định: Tập đoàn luôn đa dạng các hình thức huy động nguồn vốn trong nước và quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư nguồn và lưới điện; chủ động xây dựng, tính toán nhu cầu vốn theo các dự án, chương trình đầu tư để làm việc với các đối tác thương mại; sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện di dân tái định cư các công trình nguồn điện và các chương trình mục tiêu cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo.
Hiện tại, theo ông Trần Ðình Nhân, Tổng Giám đốc EVN, trong chiến lược phát triển điện mặt trời thời gian qua, mặc dù EVN đã chủ động nắm bắt thông tin và khẩn trương làm việc với các chủ đầu tư (từ năm 2018), nhưng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ giữa phát triển nguồn và lưới truyền tải điện. EVN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời. Dự kiến trong quý III-2020, Tập đoàn sẽ giải tỏa hết công suất nguồn điện năng lượng tái tạo này, sớm hơn so với kế hoạch...